Ngoài việc cầu may mắn, bạn còn có cơ hội chứng kiến lễ cưới truyền thống của người Nhật tại đây.
Khác với những ngôi đền thờ các vị thần ở Nhật, đền Meiji Jingu thờ Thiên Hoàng Minh Trị Meiji Tenno và Hoàng Thái Hậu Shoken Kotaigo, được xây vào năm 1920 ở ngay Shibuya, Tokyo – khu phố đông đúc bậc nhất xứ sở hoa anh đào.
Cổng Torii dẫn vào đền được làm từ thân 2 cây gỗ nguyên khối có tuổi đời khoảng 1.700 năm trông rất uy nghi. Trước khi bước qua cổng, bạn phải cúi đầu bày tỏ sự tôn kính, đồng thời đi về hai bên đường bởi theo quan niệm của người Nhật, lối đi chính giữa dành cho các vị thần.
Sau đó bạn phải "tẩy trần" trước khi vào đền bằng cách dùng một muỗng tre lấy nước rửa tay trái rồi rửa tay phải, tiếp đến đổ nước lên tay trái để rửa miệng, rồi rửa lại tay trái, cuối cùng rửa sạch muỗng và đặt lại chỗ cũ. Chú ý không được dùng miệng uống nước từ vòi, muỗng tre, cũng không được ném tiền xu vào đây.
Trước đại điện, bạn có thể cầu nguyện bằng cách thả vài đồng xu vào thùng, thực hiện nghi lễ cúi đầu 2 lần, vỗ tay 2 lần rồi cầu nguyện, tiếp đến cúi đầu lần cuối để cảm tạ các vị thần.
Dù ở ngay khu trung tâm Tokyo với nhiều tòa nhà cao tầng nhưng đền Meiji Jingu được bao phủ bởi không gian xanh mát mẻ, tách biệt hoàn toàn với thành phố vội vã bên ngoài. Các loại cây được tập hợp từ khắp Nhật Bản, trồng từ khi khởi công xây dựng tới lúc này tạo ra một khu rừng rậm rạp đến nỗi người đi lễ cảm giác rằng họ có thể cảm nhận được năng lượng từ thiên nhiên đem đến khi dạo trong rừng.
Xem thêm du lịch Nhật Bản của công ty Đất Việt Tour tại đây, hoặc liên hệ 1800 6700 để được tư vấn chi tiết.
"Kiyomasa no ido" là giếng đào khá nổi tiếng nằm bên trong đền. Đặc biệt, dù ở khu vực thành thị nhưng nước giếng là nước suối tự nhiên và không thể lý giải được nguồn nước này xuất phát từ đâu, chảy đến đâu. Nhiệt độ nước duy trì ở 15 độ C quanh năm và giếng cung cấp 60 lít nước trong một phút. Chính những điều đặc biệt này nên nhiều người cho rằng dòng nước tại đây mang lại năng lượng tích cực, thu hút khá đông du khách xếp hàng để chiêm ngưỡng lẫn cầu nguyện hàng ngày.
Du khách ghi những điều ước vào bảng gỗ rồi treo cạnh lối vào ngôi đền.
Tổ chức đám cưới truyền thống Nhật Bản tại Meiji Jingu là một trong những nét đặc trưng ở chỗ này. Cô dâu mặc kimono trắng tượng trưng cho sự thiêng liêng và trong trắng. Chú rể mặc haori và hakama truyền thống của nam giới. Mỗi ngày, du khách đến đây đều có thể chứng kiến các nghi thức trang nghiêm, cầu kì của lễ cưới diễn ra theo nguyên tắc của đạo Shinto (Thần đạo).
Mỗi năm, vào ngày lễ đầu năm Hatsumode, hàng nghìn người đến đây cầu may mắn, hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Theo ghi chép hằng năm, Meiji Jingu cũng là ngôi đền có không ít người viếng thăm nhất nước Nhật vào dịp này.
Theo ngoisao.net